Nông dân chỉ cần kiểm tra đồng ruộng, tiêu hủy nguồn rệp hoặc phun thuốc hóa học cục bộ ở nơi có ổ rệp . Tuy nhiên, đây là tiền đề để rệp phát tán rộng khắp trên đồng ruộng, phá hoại ở chu kỳ sau. Từ tháng 8-tháng 11, mía bước vào giai đoạn vươn lóng mạnh, số lá mía và chiều cao cây tăng dần, nguồn thức ăn dồi dào. Nhiệt độ không khí xung quanh 300C, ẩm độ không khí cao, xuất hiện nhiều trận mưa lớn, phù hợp với sự phát sinh, phát triển của rệp . Do vậy, rệp xơ bông trắng phát triển nhanh về số lượng để gây hại ruộng mía.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Kỹ sư Bảo vệ thực vật cho biết: Rệp xơ bông trắng có 2 loại hình: loại có cánh, vòng đời ngắn và sinh sản ít hơn loại không có cánh, nhưng mức độ phát tán, tạo thành các ổ dịch trên đồng ruộng lại mạnh hơn, do có cánh để di chuyển…Rệp đẻ trực tiếp ra rệp con, không qua giai đoạn trứng, nên có thể gây hại ngay sau khi sinh; một năm rệp xuất hiện từ 20-30 lứa, con nào cũng có thể sinh sản, nên lây lan nhanh, xuất hiện thành dịch trên diện tích rộng, khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Rệp hại mía sống tập trung ở lưng lá, dọc theo gân lá, sống tập trung thành từng tập đoàn, có nhiều phấn trắng bao phủ, chích hút dinh dưỡng do cây mía tổng hợp được để sống. Chất bài tiết do rệp xơ bông trắng thải ra là môi trường thuận lợi để nấm muội đen phát sinh, phát triển. Ruộng mía bị rệp hại nặng, nhìn vào vừa có màu trắng của rệp và màu đen của nấm; năng suất giảm từ 30-40%, độ đường giảm từ 3-4 CCS, mía gốc sau khi thu hoạch nẩy mầm, tái sinh kém, không đảm bảo mật độ trên đồng ruộng.
Ông Phan Văn Toản-Giám đốc Khuyến nông cho biết: Với chính sách thu mua mía NASU đang áp dụng, tất cả các chuyến mía của nông dân khi nhập mía về nhà máy đều được kiểm tra chất lượng (CCS và tạp chất) thông qua hệ thống tia hồng ngoại (NIR), nếu chất lượng mía thấp sẽ bị nhà máy điều chỉnh giảm giá và ngược lại, nếu chất lượng tốt được thưởng tiền. Nếu để rệp xơ bông trắng gây hại nặng, nhiều xe mía bị điều chỉnh giảm giá, nông dân thiệt hại từ 4-5 triệu đồng do mía có CCS thấp và tạp chất cao.

Để phòng trừ rệp xơ bông trắng hại mía, NASU đã ban hành chính sách cho nông dân vay 2 loại thuốc đặc hiệu là USA Grago và Goldra. Ngoài ra, nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như: kết thúc bón thúc sớm, không bón thúc thêm phận đạm, tăng lượng phân bón Kaly để mía cứng cây, tăng đề kháng; vệ sinh ruộng mía, bóc lá khô già, tạo thông thoáng trong ruộng mía. Đào rãnh, khơi thông nước đọng trên ruộng mía. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện, tiêu diệt các ổ rệp. Chỉ phun thuốc khi rệp đã xuất hiện nhiều điểm trên đồng ruộng, trên nhiều lá mía nhưng chưa xuất hiện nấm muội đen. Phun thuốc phòng trừ rệp theo nguyên tắc 4 đúng “ đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng nồng độ và liều lượng”
Quản lý tốt, hiệu quả rệp xơ bông trắng sẽ giúp chu kỳ trồng mía kéo dài, đảm bảo năng suất, tăng thu nhập cho các hộ nông dân trồng mía.
Để hiểu thêm về các loại sâu bệnh hại mía, nông dân truy cập theo đường dẫn: http://www.vienmiaduong.vn/vi/chitiettin.php?idTin=888
do VTC16 Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện.
Tác giả bài viết: Võ Văn Lương