Nhiêt độ không khí cao của các tháng mùa hè, cùng gió “Lào” khô, nóng đã làm cho nhiều cánh đồng mía khô héo, sinh trưởng kém; nhưng mía tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn vẫn phát triển xanh tốt. Bí quyết được anh Hoàng Viết Thu-Cán bộ Khuyến nông chia sẻ: sau khi thu hoạch mía, nông dân để lại toàn bộ lá mía, không đốt như những nơi khác. Việc để lá mía sau thu hoạch sẽ mang lại nhiều lợi ích: che phủ đất, giảm sự bốc thoát hơi nước, chống hạn cho mía trong các tháng mùa hè; tạo điều kiện cho các loại thiên địch, hệ vi sinh vật đất phát triển, làm cho đất màu mỡ, tơi xốp hơn. Hạn chế sự phát triển của: sâu đục thân 5 vạch đầu nâu, cỏ dại; sự xói mòn rửa trôi đất trong các tháng mùa mưa. Khi lá mía phân hủy sẽ bổ sung một lượng lớn chất hữu cơ và trả lại cho đất các chất dinh dưỡng mà cây mía đã sử dụng ở vụ trước …
NASU tổ chức cho các học viên lớp khuyến nông viên cơ sở tham quan học tập
mô hình để lá mía tại Nghĩa Phú
Để ruộng mía không đốt lá sau thu hoạch nẩy mầm tốt, anh Trần Danh Hải- chủ HĐ 4144-xóm Phú Hòa cho biết các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng: quản lý tốt rệp xơ bông trắng; chặt gốc mía sát mặt đất, biện pháp này vừa tăng năng suất và chất lượng mía, vừa giúp mía gốc nẩy mầm nhanh, đồng đều. Tiến hành vén lá mía sát vùng gốc sớm để cày bón phân thúc, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chất dinh dưỡng, giúp mía đẻ nhánh và vươn lóng .
Ông Graham - Giám đốc nghiên cứu và phát triển NASU kiểm tra tình hình sâu đục
thân trên ruộng mía để lá Nghĩa Phú
Với mật độ như hiện nay, dự tính năng suất mía có thể đạt từ 90-100 tấn/ha trong điều kiện trồng mía không tưới nước.